HOTLINE: 0909 712 239
EMAIL: congtybaobibinhminh@gmail.com
TIN TỨC

Những bàn tay vàng trong ngành in

Những thế hệ thợ trẻ nối tiếp những người thợ đi trước, duy trì và phát huy ngành in. “Các thí sinh tham dự hội thi bàn tay vàng ngành in đều thể hiện tay nghề của mình với trách nhiệm và lòng yêu nghề. Qua cuộc thi, họ đã ứng dụng những kinh nghiệm sản xuất, bổ sung kiến thức trong quá trình đổi mới công nghệ in hiện nay”. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn viên chức TP, chia sẻ như vậy tại lễ trao giải hội thi “Bàn tay vàng thợ in” lần 1-2011 do Công đoàn viên chức TPHCM tổ chức sáng 8-10.

Nửa đời người với nghề in

Cho tôi xem tờ lịch năm 2012 cũng là sản phẩm được nhiều thí sinh thực hiện trong phần thi thực hành của hội thi tay nghề, anh Phan Văn Hên, công nhân in Công ty TNHH một thành viên In Người Lao Động, thí sinh đoạt giải nhất ở phần thi thực hành, khoe: “Bìa lịch xuân này do tôi in. Ngoài tờ bìa, tôi còn thực hiện bài dự thi ở tờ lịch của tháng 9, 10. Với bài thi của mình, tôi đã mất 1 giờ 15 phút”. Trang bìa của lịch xuân 2012 có hình Tượng đài Bác, phía sau là UBND TPHCM được in sắc nét trên nền màu xanh, góc trái là cành mai vàng rực rỡ càng làm cho biểu trưng của TP thêm nổi bật.

Gần 30 năm gắn bó với nghề in, anh Hên không nhớ đã làm ra được bao nhiêu sản phẩm. Công việc của anh, ngoài in nhãn hàng, sách, báo, anh còn kiêm luôn cả in lịch. Anh cho biết: “Ba tôi là Phan Văn Minh, một thợ in của Sài Gòn trước đây, từng làm việc tại Công ty In Trần Phú. Cũng nhờ ba mà tôi đến với nghề in”.

Bàn tay vàng thợ in

Anh Phan Văn Hên (bìa trái) nhận giấy khen do ông Nguyễn Tài Mạnh,

Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức TPHCM, trao tặng

Trong ký ức của anh Hên vẫn còn nhớ như in ngày ba dẫn anh vào xưởng, chỉ cho anh những công đoạn của nghề in. Lớn lên, anh còn được cùng ba đi khắp các tỉnh, thành để sửa chữa các loại máy in. Những tháng ngày như thế đã cho anh kinh nghiệm cũng như bí quyết khắc phục sự cố các dòng máy in. Dần dần, anh trở thành thợ in theo kiểu cha truyền con nối.
Nơi đầu tiên anh đầu quân là Nhà in Thông Tấn Xã, kế đó là Xí nghiệp In Người Lao Động nay là Công ty TNHH một thành viên In Người Lao Động. Tuy không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng kỹ thuật in của anh thì ít người sánh bằng. Anh đúc kết: Trong quá trình in, khâu chuẩn bị rất quan trọng.
Trước khi in, phải xem lại mực, vệ sinh máy thật kỹ để tránh tình trạng màu in không chuẩn. Ngoài ra, phải canh chỉnh giấy chính xác và chọn giấy có chất lượng tốt nhất.

Học hỏi để trưởng thành

Cầm trên tay tấm bằng khen vừa vinh dự đón nhận, anh Trần Thế Anh, công nhân in của Xí nghiệp In Tuổi Trẻ, thí sinh đoạt giải nhất tại vòng thi lý thuyết, nắm chặt tay người thầy đã từng dẫn dắt mình trong ngày đầu đến với nghề in, xúc động: “Nhờ có thầy mà em đã thành công. Em xin gửi đến thầy chút vinh dự mà em có được”.

Người thầy của Thế Anh là ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên In Người Lao Động hiện nay. Anh kể: “Khi tôi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ in Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tôi được Xí nghiệp In Báo Sài Gòn Giải Phóng tuyển dụng. Thời ấy, chú Vũ Việt Thắng là giám đốc, còn chú Nguyễn Văn Te làm phó giám đốc. Những ngày đầu đến với nghề in tôi còn nhiều bỡ ngỡ vì kiến thức được học ở trường chỉ là lý thuyết. Các chú đã hướng dẫn tôi từng thao tác cũng như kỹ thuật in”.

Vốn đam mê công nghệ, cuối năm 2008, khi nghe tin Xí nghiệp In Tuổi Trẻ ra đời, Thế Anh quyết định chuyển sang đây để học hỏi thêm kinh nghiệm. Kỷ niệm mà anh không thể nào quên trong những ngày đầu làm việc tại đây là khi lắp ráp máy in Gross (Đức) cho việc in ấn phẩm báo Tuổi Trẻ. “Ngày ấy, khi mới vận hành, máy vẫn chưa ổn định nên giấy bị đứt và quấn vào ống in.
Tôi rất bối rối không biết xử lý ra sao. Thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia cũng như anh em trong bộ phận kỹ thuật, tôi đã lấy lại tự tin, dần dần tìm cách khắc phục sự cố”. Thế Anh cho biết làm việc ở nhà in, nhất là in báo xuất bản hằng ngày, luôn chịu nhiều áp lực vì phải làm sao cho sản phẩm báo in được nhanh nhất nhưng chất lượng nhất.

Kết thúc hội thi, những người thợ trở về với công việc thường ngày của mình. Ngày ngày, họ vẫn miệt mài bên những chiếc máy, không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê theo sắc màu, nhịp điệu của giấy...

Xem thêm
→ 
Sử dụng màu sắc trong thiết kế bao bì (Phần 2)
→ Sử dụng màu sắc trong thiết kế bao bì (Phần 1)
→ NHẬN BIẾT THƯƠNG HIỆU THÔNG QUA MÀU SẮC BAO BÌ
→ NGÀNH CÔNG NGHIỆP BAO BÌ: CƠ HỘI TĂNG TRƯỞNG TỐT
→ Nhân lực ngành in khó tìm được thợ giỏi
→ NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGHÀNH SẢN XUẤT BAO BÌ TRONG NƯỚC
→ TÚI PE TỪ VN 
TIẾP TỤC BỊ MỸ 
ÁP THUẾ CAO
→ NGÀNH BAO BÌ NHỰA VÀ YẾU TỐ THÚC ĐẨY TỪ XU HƯỚNG ĂN UỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT
→ 1001 ỨNG DỤNG SÁNG TẠO TỪ TÚI ZIPPER
→ Cách phân biệt các loại bao bì thường dùng trong ngành công nghiệp